Tại phiên trọng thể Đại hội Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Nghệ An lần thứ II, nhiệm kỳ 2023 – 2028, đại biểu Phạm Thế Nhân, đến từ đoàn đại biểu Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc trình bày tham luận với chủ đề “Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thầy thuốc trẻ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng”. Anh hiện là Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc của Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc.
Anh cho biết, bệnh viện ĐKKV Tây Bắc là bệnh viện hạng II tuyến tỉnh nằm trên thị xã Thái Hòa, nhiệm vụ chính là chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn thị xã Thái Hòa và các huyện ở vùng tây Bắc Nghệ An. Ngoài công tác chuyên môn trực tiếp khám và điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện, các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng là hoạt động tất yếu, diễn ra hàng ngày, hàng giờ và được thông qua hoạt động của 03 câu lạc bộ: CLB Thầy thuốc trẻ, CLB ngân hàng máu sống, CLB Tiếp sức người bệnh.
Anh Phạm Thế Nhân thuộc đoàn đại biểu Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc trình bày tham luận tại Đại hội Hội Thầy thuốc trẻ lần thứ II, nhiệm kỳ 2023 – 2028 với chủ đề “Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thầy thuốc trẻ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng”
Trong nhiệm kỳ vừa qua, CLB Thầy thuốc trẻ phối hợp với các tổ chức trong và ngoài bệnh viện khám tư vấn cấp phát thuốc miễn phí 13 đợt cho hơn 3.000 đối tượng chính sách, khó khăn, vùng biên giới, với tổng số tiền gần 570 triệu. Điển hình là Chương trình “Ấm tình biên cương” tại Tri Lễ, Quế Phong; xã Môn Sơn, Con Cuông, người dân nghèo của Bản Tạt, xã Yên Hợp huyện Quỳ Hợp; Các chương trình khám phát thuốc miễn phí cho bà con trên địa bàn Thị xã thái Hòa, Huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong. Chương trình tuyên truyền sơ cấp cứu,phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước đối tượng là các em học sinh trung học phổi thông. Khám và sàng lọc các bệnh lý về mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng cho các em học sinh mầm non, tiểu học. Các chương trình đã tạo nên hiệu ứng tốt về chăm sóc sức khỏe cộng đồng không chỉ ở địa bàn thị xã mà còn ở cả khu vực Tây Bắc và Tây Nam Nghệ An. Câu lạc bộ ngân hàng máu sống, với nòng cốt là các đoàn viên, thanh niên có sức khỏe tốt, sẵn sàng cho máu khi cần thiết. Trong những năm qua, sự đóng góp của các thành viên câu lạc bộ không chỉ kịp thời cấp cứu, mang lại sự sống cho người bệnh mà còn tiếp thêm niềm hy vọng, động viên bệnh nhân vượt qua bệnh tật. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, sự có mặt của các chiến sĩ áo trắng hiến tặng những giọi máu hồng đã mang hi vọng, tiếp thêm sự sống cho người bệnh cần máu, nhiều bệnh nhân được truyền máu đã giành lại được sự sống từ tay thần chết.Trong nhiệm kỳ qua đã hiến được 72 đơn vị máu và cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch. Năm 2019, Câu lạc bộ ngân hàng máu sống vinh dự được nhận giấy khen của Giám đốc Sở Y tế vì có thành tích xuất sắc trong công tác vận động hiến máu tình nguyện. Câu lạc bộ tiếp sức người bệnh được thành lập năm 2017, các đồng chí đoàn viên tình nguyện không nghỉ trực, tham gia hỗ trợ tiếp đón hướng dẫn, giúp đỡ bệnh nhân trong quá trình đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện, tận tình giải thích những thắc mắc về chế độ, quyền lợi của người bệnh khi đến thăm khám, tạo thuận lợi và sự tin tưởng cho nhân dân. Góp phần thiết thực trong phong trào thay đổi phong cách, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Đặc biệt trước tình hình bệnh Covid-19 trong thời gian qua, Đoàn viên thanh niên bệnh viện là lực lượng đi đầu, xung kích tình nguyện tham gia phòng chống dịch bệnh. Đã có 12 đồng chí xung kích, tình nguyện tham gia hỗ trợ điều trị bệnh nhân covid tại các tâm dịch. Thành lập CLB tư vấn, hỗ trợ điều trị F0 tại nhà. Tham gia hỗ trợ tại khu cách ly tập trung, tuyên truyền cách phòng chống dịch bệnh tại khu dân cư, trường học, bệnh viện…Bên cạnh đó, Chi đoàn bệnh viện phối hợp với các đoàn thể trong bệnh viện tổ chức các chương trình: Bát cháo tình thương, sạch mái tóc, ấm tình thương, Mang tiếng hát đến người bệnh và gây quỹ cho bệnh nhân nghèo và nhiều chương trình ý nghĩa khác.
Anh cũng chia sẻ một số hạn chế trong các hoạt động tình nguyện trên địa bàn: Công tác tuyên truyền về các hoạt động của hội chưa sâu rộng, các hoạt động tình nguyện vẫn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ tại các địa phương, chưa được kết nối thành hệ thống để tạo ra hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng; một lực lượng không nhỏ thầy thuốc trẻ chưa hiểu hết về ý nghĩa của các hoạt động tình nguyện, do đó còn chưa tham gia tích cực vào các hoạt động. Nguồn kinh phí cho các hoạt động tình nguyện của hội thầy thuốc trẻ còn eo hẹp, chủ yếu được trích từ các cơ sở y tế, tự đóng góp của các thành viên hoặc vận động từ một số nhà thuốc. Do đó, đa số các hoạt động quy mô nhỏ, tại một số địa phương nhất định, vẫn còn nhiều nơi hoạt động tình nguyện chưa đến được người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Theo đó, đại biểu Phan Thế Nhân cũng đề xuất các vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới:
Cần tổ chức tuyên truyền về ý nghĩa của các chương trình tình nguyện đến các hội viên, để thu hút sự tham gia đông đảo, tích cực của các hội viên vào hoạt động tình nguyện; Cần xây dựng kế hoạch hoạt động tình nguyện cho từng năm, quý, tháng. Xây dựng các hoạt động trọng điểm, liên kết các câu lạc bộ thành viên để hoạt động của hội được diễn ra đều đặn, xuyên suốt, có tính hệ thống và tạo sự lan tỏa trong toàn tỉnh; Thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện hoạt động tình nguyện tại các câu lạc bộ, địa phương. Kịp thời tuyên dương các đồng chí có thành tích xuất sắc trong hoạt động tình nguyện, khuyến khích sự tham gia tích cực của các hội viên; Tham mưu các cấp chính quyền, xây dựng quỹ hoạt động từ thiện, tình nguyện của hội, huy động sự ủng hộ của chính quyền, doanh nghiệp, cá nhân. Tạo ra nguồn quỹ ổn định cho các hoạt động của hội.
Nguyễn Quỳnh – Thành Tân (Lược ghi)