Làng thanh niên lập nghiệp biên giới Tam Hợp được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai xây dựng từ năm 2014 tại xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Làng được lập ra với mục tiêu thu hút 100 hộ thanh niên các dân tộc tham gia, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng một số công trình hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống, phát triển các mô hình kinh tế, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất cho các hộ đội viên và nhân dân, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế xã hội trên địa bàn, bảo vệ vững chắc vùng biên cương của tổ quốc.
.jpg)
Hai chị em người dân tộc H' Mông bên ruộng nghệ của gia đình
Làng được thành lập tại khu vực biên giới, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào địa phương và các hộ đoàn viên thanh niên là dân tộc ít người: H’Mông, Thái, Tày Poọng, trình độ dân trí của người dân còn rất thấp, sản xuất chủ yếu theo kiểu tự cung, tự cấp, đang phụ thuộc nhiều vào rừng, thu nhập còn rất thấp, đời sống nhân dân đang đói nghèo.
.jpg)
Niềm vui của già làng khi nghệ được mùa
Sau một thời gian xây dựng, Ban quản lý Làng đã triển khai rất nhiều mô hình, khảo nghiệm rất nhiều cây trồng, vật nuôi, triển khai đến các hộ đội viên để thực hiện như Cây chè Tuyết Shan, Chanh leo, Nghệ đỏ, Lúa nước bậc thang, gừng, Khoai sọ, Gà Đen, Lợn Đen.. ..v v... Kết quả cho thấy có những cây trồng không phù hợp với điều kiện khí hậu trên địa bàn, có những cây trồng phù hợp điều kiện khí hậu tại địa bàn thì người dân lại khó triển khai thực hiện do điều kiện về trình độ kỹ thuật, do khả năng vốn.... Riêng đối với cây Nghệ đỏ thì rất phù hợp với điều kiện khí hậu đất đai tại địa bàn và cho năng suất cao, chất lượng tốt và việc triển khai sản xuất phù hợp với trình độ và tập quán của các hộ đội viên và người dân địa phương. Sau khi khảo nghiệm và đưa vào sản xuất, cuối năm 2017 các hộ đội viên và nhân dân trên địa bàn đã thu được sản lượng gần 200 tấn, thu nhập từ cây Nghệ Đỏ rất cao so với các cây trồng khác trên địa bàn, vì vậy các hộ đội viên và nhân dân đã tiến hành mở rộng diên tích trồng Nghệ, dự kiến năm 2018 sẽ cho sản lượng khoảng 700- 800 tấn củ nghệ tươi.
.jpg)
.jpg)
Củ nghệ được cán bộ, đội viên Tổng đội TNXP 9 trực tiếp thu mua, chế biến
Là một sản phẩm nông nghiệp vì vậy giá cả của cây Nghệ Đỏ phụ thuộc rất lớn vào thị trường. Làng nằm trên khu vực vùng sâu vùng xa, điều kiện giao thông đi lại khó khăn nếu tiêu thụ củ Nghệ tươi thì chi phí vận chuyển rất lớn, bị tư thương ép giá, hiệu quả sản xuất không cao. Để giúp các hộ đội viên và nhân dân trong khâu tiêu thụ sản phẩm, ổn định sản xuất, nâng cao đời sống, Ban Quản lý Làng TNLN đã mạnh dạn huy động vốn đóng góp của cán bộ đội viên và nguồn vốn vay để xây dựng hệ thống dây chuyền chế biến tinh bột nghệ đỏ với nhà xưởng rộng 80m2 , hệ thống thiết bị, máy móc như máy rửa củ nghệ công suất 300kg/h, máy xay và vắt củ nghệ công suất 300kg/h, máy xay bột nghệ, máy đánh tinh, máy bơm, hệ thống 5 lò sấy bằng điện, các dụng cụ phục vụ chế biến...Bằng dây chuyền này đơn vị đã thu mua chế biến sản phẩm củ Nghệ Đỏ cho bà con nhân dân, tạo điều kiện cho bà con tăng thu nhập, ổn định đời sống, yên tâm sản xuất. Cuối năm 2017 đầu năm 2018 đơn vị đã thu mua toàn bộ số củ Nghệ tươi cho nhân dân với sản lượng trên 120 tấn. Vấn đề chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ toàn bộ sản phẩm Nghệ đỏ bước đầu được giải quyết.
.jpg)
Đoàn công tác của Tỉnh đoàn, Trung tâm khoa học công nghệ và tài năng trẻ Trung ương Đoàn đến khảo sát để hỗ trợ mở rộng mô hình
Mới đây, mô hình cũng đã được Tỉnh đoàn, Trung tâm Khoa học công nghệ và tài năng trẻ Trung ương Đoàn lựa chọn để khảo sát, hỗ trợ mở rộng một số hạng mục quan trọng, góp phần tăng quy mô sản xuất, đáp ứng công suất khi sản lượng củ Nghệ thu mua từ người dân tăng lên từ 700-800 tấn/ năm.
.jpg)
Tinh nghệ được phơi khô trước khi tán mịn, đóng gói

Sản phẩm được đóng gói, dán nhãn mác và bảo quản an toàn trước khi đưa ra thị trường
Với ưu thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, đất đai, nguồn nước suối … việc phát triển diện tích trồng cây Nghệ đỏ gắn với mô hình sản xuất tinh bột nghệ nhằm nâng cao giá trị kinh tế là một hướng đi đúng đắn, góp phần thay đổi phương thức từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung, tạo sản phẩm hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người sản xuất, tạo điều kiện phát triển kinh tế ổn định, bền vững. Mô hình được triển khai sẽ tạo lòng tin của các hộ đội viên và nhân dân với các chính sách của Đảng, Nhà nước, khai thác được tiềm năng đất đai và tạo thêm công ăn việc làm cho các đoàn viên thanh niên tại khu vực biên giới đặc biệt khó khăn này.
Thảo Vy- Ban TNNT,CN,VC&ĐT