Thực hiện Chủ đề công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học 2020 – 2021 “Thiếu nhi Nghệ An – Tự hào truyền thống, tiến bước lên Đoàn”, các cấp bộ Đoàn – Đội trong toàn tỉnh đã chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục đội viên, thiếu niên, nhi đồng về lịch sử, truyền thống cách mạng của dân tộc, của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đội TNTP Hồ Chí Minh và của địa phương, với nhiều hình thức mới, sáng tạo nhằm cụ thể hóa của phong trào “Thiếu nhi Việt Nam thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy”, tạo môi trường cho thiếu nhi thực hiện lời dạy “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó lan tỏa tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc trong mỗi một thiếu nhi của tỉnh nhà.
Những tiết sinh hoạt dưới cờ đầy ý nghĩa
Bên cạnh tổ chức các cuộc thi, hội thi gắn với ngày lễ lớn của đất nước, định kỳ hàng tuần, 100% liên đội trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc lễ chào cờ, hát Quốc ca và nâng cao chất lượng sinh hoạt liên đội dưới cờ, gắn việc giáo dục, định hướng cho đội viên, thiếu niên về truyền thống cách mạng, đạo đức, lối sống, tình yêu quê hương, đất nước thông qua các tiết học, giờ ngoại khóa, các buổi sinh hoạt dưới cờ... Cùng với đó, thường xuyên tuyên truyền gương anh hùng nhỏ tuổi, gương người tốt việc tốt, sinh hoạt chuyên đề với chủ điểm “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng”; tổ chức nói chuyện truyền thống nhân kỷ niệm những ngày lễ lớn trong năm như 02/09, 22/12,... với các chủ đề “Chứng nhân lịch sử”, “Hào khí đất Việt”,… Các liên đội đã đa dạng hóa hình thức tuyên truyền bằng những tác phẩm sân khấu hóa, mỗi học sinh được hóa thân vào những nhân vật lịch sử, được tự mình tìm hiểu và thể hiện những câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc. Qua những hoạt động này giúp các em học sinh biết được truyền thống vẻ vang, quyết chiến, quyết thắng của dân tộc, hiểu hơn về sự hi sinh lớn lao của các thế hệ cha anh đi trước, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

Niềm vinh dự "Chi đội em mang tên"
Chi đội em mang tên là mô hình được Hội đồng Đội triển khai sâu rộng tại 100% liên đội trên địa bàn với hình thức mỗi chi đội tiến hành đặt tên cho chi đội mình theo tên những người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa của địa phương, đất nước hoặc tên các hòn đảo thuộc chủ quyền biển đảo Việt Nam như Kim Đồng, Vừ A Dính, Nguyễn Bá Ngọc, Võ Thị Sáu, Trần Quốc Toản, Quang Trung, Trường Sa, Hoàng Sa, Sinh Tồn, Sơn Ca,…

Để đặt tên cho chi đội mình, các em học sinh sẽ có cơ hội tìm hiểu truyền thống lịch sử hào hùng, tiểu sử các anh hùng dân tộc, được tìm hiểu những thông tin, được biết rõ hơn về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, vai trò của từng hòn đảo, những hoạt động học tập sinh hoạt của các chiến sỹ hải quân, của những bạn học sinh ngoài đảo xa. Qua đó, nhằm giúp mỗi đội viên nhận thức sâu sắc thêm về cội nguồn lịch sử, về biển đảo – một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, nâng cao ý thức trách nhiệm với quê hương, đất nước.
Hành trình đến địa chỉ đỏ
Với sự hướng dẫn, phát động của Hội đồng Ðội các cấp, các liên đội trong toàn tỉnh đã tổ chức nhiều Hành trình “Em yêu Tổ quốc Việt Nam”. Trong học kỳ I, năm học 2020 – 2021, toàn tỉnh tổ chức được 571 hành trình đến các địa chỉ đỏ không chỉ ở mảnh đất Nghệ An mà còn ở dọc dải đất miền Trung kiên cường như: Khu di tích Kim Liên – Nam Đàn, Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn, Đền thờ vua Quang Trung, Khu tưởng niệm Xô Viết Nghệ Tĩnh, Ngã ba Bến Thủy, Đình Võ Liệt, Nghĩa trang liệt sỹ Việt Lào…

Trong Hành trình đến với các địa danh cách mạng, các em thiếu nhi đã có nhiều hoạt động thể hiện đạo lý “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” của thế hệ trẻ đối với thế hệ cha anh đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như: tổ chức hát Quốc ca, vệ sinh, tu sửa nghĩa trang liệt sỹ,…; giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, trách nhiệm của mỗi đội viên, thiếu niên, nhi đồng ngày hôm nay, khơi dậy tinh thần đam mê tìm hiểu truyền thống, lịch sử, nét đẹp văn hóa dân tộc các vùng miền, phát huy tính sáng tạo,thể hiện niềm tự hào và góp phần giới thiệu các di tích, địa chỉ đỏ đến với nhân dân, đoàn viên, thanh thiếu nhi.
Bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc
Giáo dục ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống cho học sinh trong các trường học là việc làm có ý nghĩa. Những câu lạc bộ dân ca ví dặm, câu lạc bộ cồng chiêng, CLB văn học dân gian,… được các liên đội thành lập và duy trì sinh hoạt. Nội dung chương trình giáo dục kỹ năng sống, gìn giữ nét văn hóa dân tộc được thực hiện thường xuyên theo hình thức tích hợp qua các môn học ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân; tổ chức trong chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp với nhiều hình thức đa dạng như sân khấu hóa, tham quan, tìm hiểu thực tế tại các thôn, điểm có nét văn hóa, di tích lịch sử. Đặc biệt, vào thứ hai đầu tuần và các dịp lễ, tết, các hoạt động, các liên đội khuyến khích các em học sinh mặc đồng phục của dân tộc mình. Các cấp bộ Đội còn chú trọng tổ chức các hoạt động trải nghiệm văn hóa như Hội chợ xuân, ngày hội trò chơi dân gian,… qua đó giới thiệu các món ăn, những nét đặc trưng văn hóa của đồng bào người dân tộc Mông, Thái, Thổ,… sinh sống trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giúp các em có điều kiện được giao lưu, trao đổi học tập, nâng cao ý thức giữ gìn, trân trọng những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”. Chính vì vậy, trong thời gian tới, việc giáo dục thế hệ trẻ, đặc biệt là giáo dục lòng yêu nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, nỗ lực gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc cho thiếu nhi cần tiếp tục được các cấp bộ Đoàn – Đội tỉnh Nghệ An quan tâm, đẩy mạnh, triển khai sáng tạo và hiệu quả, góp phần tiếp nối truyền thống của quê hương Xô Viết anh hùng.
Quỳnh Anh – Ban TTNTH.