Phát triển kinh tế là một trong những vấn đề được đoàn viên, thanh niên đặc biệt quan tâm trong giai đoạn hiện nay. Nhằm phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Đoàn trong việc đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp. Trong thời gian qua Ban Thường vụ Huyện đoàn Con Cuông đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp đỡ, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên trong việc tham gia khởi nghiệp, lập nghiệp gắn liền với công tác bảo vệ môi trường.
Trong năm 2020, Ban Thường vụ Huyện đoàn Con Cuông đã phối hợp với Ban Thanh niên Nông thôn Trung ương Đoàn, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Nghệ An tổ chức mở 02 lớp tập huấn cung cấp các kiến thức cơ bản về khởi nghiệp, lập nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các bạn đoàn viên thanh niên; giới các văn bản pháp lý, công cụ liên quan hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tổ chức tập huấn về công tác bảo vệ môi trường và giới thiệu các mô hình phát triển kinh tế của thanh niên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Hướng dẫn các phương pháp chế biến, bảo quản thức ăn chăn nuôi, các giải pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học… Thông qua lớp tập huấn, nhằm nâng cao kiến thức cho đoàn viên, thanh niên về các chương trình, phong trào Thanh niên khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo gắn liền với bảo vệ môi trường, khai thác tiềm năng, phát triển ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên từ nguồn tài nguyên sẵn có của địa phương, tạo động lực, truyền cảm hứng, niềm tin, ý chí và sự quyết tâm khởi nghiệp cho thanh niên.
Với mong muốn phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương, sau khi được tập huấn nâng cao kiến thức về lập nghiệp, khởi nghiệp và tập huấn về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, cùng với sự tìm tòi, học hỏi, các đồng chí đoàn viên thanh niên đã áp dụng vào thực tế và đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế gắn liền với việc bảo vệ môi trường, trong đó tiêu biểu như: Mô hình anh Lang Văn Vê – Bí thư Đoàn xã Mậu Đức với việc phát triển kinh tế trồng rừng nguyên liệu, phủ xanh đồi trọc và đầu tư mô hình vườn – ao – chuồng… nhờ đam mê học hỏi, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, hiện nay trang trại của anh Vê đã duy trì hơn 100 con lợn, 500 con gà, 20 con dê, 500m2 ao cá… và diện tích rừng keo hơn 7 ha. Hằng năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Việc trồng rừng, phủ xanh đồi trọc và xây dựng mô hình vườn – ao – chuồng không chỉ giúp gia đình anh Vê tăng thu nhập mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải ra môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Anh Lang Văn Vê - Bí thư Đoàn xã Mậu Đức với mô hình trồng keo và nuôi dê

Mô hình Vườn - Ao - Chuồng anh Lang Văn Vê
Bên cạnh đó, một trong những mô hình không thể không nhắc đến nữa đó là mô hình ủ phân vi sinh từ chất thải chăn nuôi để trồng cam của anh Lô Văn Thuyết - xã Yên Khê. Sau khi được tập huấn về hoạt động của Đội tuyên truyền bảo vệ môi trường, từ nguồn rác thải gia súc, gia cầm, thức ăn thừa của gia đình, anh Thuyết đã tiến hành ủ phân vi sinh để tiếp tục chăm bón cho vườn cam và bán cho các hộ gia đình có nhu cầu trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ vậy mà mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao cho vườn cam. Hằng năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng.

Trong thời gian tới Ban Thường vụ Huyện đoàn tiếp tục tổ chức các hoạt động tạo điều kiện thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường trong thanh niên.
Lương Nông – Huyện đoàn Con Cuông